Như đã nói ở phần trước, mọi thiên tài ở những lĩnh vực liên quan tới nghệ thuật luôn cần đến những chất liệu tốt nhất để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu không có bàn tay tài hoa của một người nghệ sĩ, chắc chắn thứ chất liệu tuyệt vời kể trên chưa chắc đã tạo nên thành công, thậm chí, khi rơi vào tay một người nghệ sĩ tồi, chắc chắn mọi thứ sẽ trở thành thảm họa.
Trong quá khứ, Pep Guardiola từng bị chỉ trích là cần đến Lionel Messi cùng sự xuất sắc của thế hệ vàng Barcelona mới có được cú ăn 6 đỉnh cao. Đã có lúc, luận điểm này tỏ ra có cơ sở khi nhìn vào việc HLV người Tây Ban Nha vẫn chưa đạt được danh hiệu Champions League nào kể từ khi rời Barcelona, dù là ở Bayern Munich và giờ là Manchester City, đội bóng mà ông phải đợi tới mùa giải thứ 5 dẫn dắt ông mới vào tới trận chung kết.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngoài Luis Enrique ra, vẫn chưa có một HLV nào có thể sử dụng tập thể Barcelona để đạt được danh hiệu danh giá nhất Châu Âu. Tệ hơn, đó là trường hợp của Ernesto Valverde, người phải hai lần “muối mặt” nhìn đội bóng của mình rời khỏi Champions League trong sự xấu hổ vô bờ vì bị lội ngược dòng, đầu tiên là bởi AS Roma ở trận tứ kết Champions League mùa giải 2017/2018, sau đó là ở mùa giải 2018/2019 bởi Liverpool trong trận bán kết.
Điều đó cho chúng ta nhận ra một điều, đó là trong bóng đá, cũng giống như trong nghệ thuật, việc có một đội hình tốt chưa chắc đã đem lại thành công, thậm chí, có thể đem lại thảm họa nếu rơi vào một HLV không biết cách sử dụng và tối ưu hóa đội hình được giao.
Đó là lý do vì sao Barcelona cho tới nay vẫn chưa thể tìm ra một người thứ hai như Pep Guardiola, một người có thể xây dựng thành công về mặt lâu dài cho đội bóng vùng Catalan, dù trong tay họ là một đội hình khá ổn định với Lionel Messi, thiên tài có một không hai trong lịch sử bóng đá.